tranh-chap-hop-dong-thi-cong

3 Biện Pháp Xử Lý Tranh Chấp Hợp Đồng Thi Công Dự Án

Tranh chấp hợp đồng thi công dự án: Dù đã có hợp đồng nhưng vì một số lý do tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng thường xuyên phát sinh làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công

Theo Điều 146 Luật Xây dựng 2014, được hướng dẫn bởi Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì quy định giải quyết tranh chấp dựa trên hai nguyên tắc căn bản:

  • Thứ nhất, tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
  • Thứ hai, các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Theo đó, nếu các bên không tự thương lượng được thì có ba hình thức giải quyết, bao gồm: thông qua tổ chức hòa giải; trọng tài thương mại, Tòa án nhân dân.

Quy trình giải quyết tranh chấp:

Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải

Theo khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hòa giải  được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức hoặc một số cá nhân chuyên gia (goi chung là ban xử lý tranh chấp), khi đó việc xử lý tranh chấp thông qua ban xử lý tranh chấp như sau:

  • Ban xử lý tranh chấp có thể được nêu trong hợp đồng tại thời điểm ký kết hoặc thiết lập sau khi có tranh chấp xảy ra. Số lượng thành viên ban xử lý tranh chấp do các bên tự thỏa thuận. Thành viên ban xử lý tranh chấp phải là người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung tranh chấp, kinh nghiệm trong vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng và hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng.
  • Trong thời hạn 28 ngày kể từ ngày các bên nhận được kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp, nếu một bên không đồng ý kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp thì có quyền phản đối và các tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật; trường hợp quá thời hạn nêu trên không bên nào phản đối kết luận hòa giải thì coi như các bên đã thống nhất với kết luận hòa giải. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải.
  • Chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng và do mỗi bên hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hơp các bên không đồng ý với kết quả giải quyết tranh chấp của ban xử lý tranh chấp thì có thể khởi kiện bằng trọng tài thương mại hoặc tại Tòa án.

tranh-chap-hop-dong-thi-cong

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Biện pháp giải quyết bằng trọng tại thương mại được điều chỉnh bởi Luật Trọng tài thương mại 2010, bao gồm các bước sau:

  • Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo với các nội dung như: ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ; tóm tắt nội dung tranh chấp…
  • Bị đơn nộp đơn bảo vệ trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo.
  • Thành lập hội đồng trọng tài bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên, nếu các bên không thỏa thuận thì gồm ba trọng tài viên.
  • Tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về phương hướng giải quyết tranh chấp.
  • Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết theo nguyên tắc đa số.

Giải quyết bằng Tòa án nhân dân

Trường hợp các bên không có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại thì các bên có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Thủ tục khởi kiện tại Tòa án gồm các bước sau:

  • Đương sự nộp Đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp về Hợp đồng thi công xây dựng. Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải cung cấp hợp đồng thi công xây dựng và các tài liệu, chứng cứ chứng minh bên kia vi phạm hợp đồng.
  • Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí và tiến hành thụ lý vụ án.
  • Vụ án bước vào giai đoạn chuẩn bị xét xử và hòa giải. Tại giai đoạn này Tòa án sẽ thu thập tài liệu, chứng cứ (nếu cần thiết) và mở phiên họp kiểm tra, giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải. Mục đích là để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết vụ án và cung cấp chứng cứ cho các bên đương sự.
  • Cuối cùng, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm theo thủ tục chung.

Trên đây là Quy trình xử lý tranh chấp hợp đồng thi công dự án. Trong trường hợp các bạn đang gặp phải các ván đề pháp lý về hợp đồng, dịch vụ soạn thảo hợp đồng vui lòng liên hệ với các luật sưcủa LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin.