xu-ly-tranh-chap-thua-ke

Quy trình xử lý tranh chấp thừa kế với người nước ngoài

Xử lý tranh chấp thừa kế với người nước ngoài: Căn cứ theo Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015, quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ có một trong ba yếu tố sau:

  • Chủ thể: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài.
  • Sự kiện pháp lý: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
  • Khách thể: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ thừa kế đó ở nước ngoài.

Theo pháp luật Việt Nam, căn cứ theo Điều 680 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Riêng đối với tài sản là bất động sản việc thực hiện thừa kế được thực hiện theo pháp luật của nước nơi có bất động sản.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam có 2 hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Thừa Kế Theo Di Chúc

Để việc thừa kế theo di chúc được thực hiện thì di chúc phải có hiệu lực.

Căn cứ theo Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực và hình thức di chúc để di chúc có hiệu lực trong việc giải quyết tranh chấp thừa kế.

Về năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.

Về hình thức:

  • xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập.
  • Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
  • Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
  • Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.

Có thể bạn quan tâm Tranh chấp thừa kế có những loại phí nào? Án phí tranh chấp là bao nhiêu?

Thừa Kế Theo Pháp Luật

Theo pháp luật Việt Nam người để lại di sản thừa kế không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực thì thừa kế sẽ được chia theo hàng thừa kế theo Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 cụ thể:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

xu-ly-tranh-chap-thua-ke

Thủ tục thực hiện khởi kiện tranh chấp tại Việt Nam

Hồ Sơ Khởi Kiện

Để khởi kiện cần chuẩn bị một số giấy tờ sau

  • Đơn khởi kiện (theo mẫu số 23-DS Nghị quyết Số: 01/2017/NQ-HĐTP) thỏa mãn về nội dung và hình thức theo Điều 189 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015
  • Di chúc (nếu có), các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
  • Bản kê khai các di sản;
  • Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
  • Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).

Thẩm Quyền Tòa Án

Căn cứ theo khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đây là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền Tòa án. Tòa án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 vì:

  • Có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài;
  • Vụ việc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Theo Điều 39 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 về thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ, người khởi kiện có thể gửi hồ sơ khởi kiện đến:

  • Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức.
  • Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức.
  • Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra theo Điều 40 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 người khởi kiện còn có thể lựa chọn Tòa án trong trường hợp:

  • Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
  • Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
  • Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết
  • Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.

Trình Tự Thụ Lý Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Yếu Tố Nước Ngoài Của Tòa Án.

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế đối với động sản là 10 năm và bất động sản là 30 năm theo Điều 623 Bộ Luật Dân sự 2015.

Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện căn cứ theo Điều 191 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện.

Tòa án sẽ xem xét đơn khởi kiện xem có thuộc thẩm quyền Tòa án. Nếu đây là vụ án thuộc thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam theo quy định tại Điều 470 Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án sẽ thụ lý đơn khởi kiện.

Nếu không thuộc thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam, Tòa án sẽ xem xét có thuộc trường hợp tại Điều 472 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015. Nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 472 Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện vì vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án nước ngoài. Nếu không thuộc trường hợp này thì Tòa sẽ thụ lý theo Điều 469 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 là vụ án thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam.

Thông báo về việc thụ lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa được tiến hành theo quy định tại Điều 196 hoặc Điều 476 (nếu có được sư ở nước ngoài) Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Có thể bạn quan tâm Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế

Trên đây là Quy trình xử lý tranh chấp thừa kế với người nước ngoài. Trong trường hợp các bạn đang gặp phải các vấn đề pháp lý về di chúc, thừa kế tài sản, tranh chấp tải sản hoặc tranh chấp thừa kế với người nước ngoài. Vui lòng liên hệ với các luật sư của LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin.