Thẩm Phán Kết Bạn Facebook Với Đương Sự Có Vi Phạm Không?

THẨM PHÁN KẾT BẠN VỚI ĐƯƠNG SỰ TRÊN FACEBOOK CÓ ĐƯỢC XEM LÀ CĂN CỨ “VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG THỦ TỤC TỐ TỤNG” HAY KHÔNG?

Vào ngày 20/2 vừa qua, Tòa phúc thẩm số III của Wisconsin đã hủy quyết định của Thẩm phán Michael Bitney và chuyển vụ kiện xuống tòa án cấp dưới để được xét xử lại bởi Thẩm phán khác vì cho rằng việc Thẩm phán đơn thuần sử dụng mạng xã hội không phải là căn cứ đủ để bị kỷ luật, nhưng nếu Thẩm phán và đương sự có các hành vi như: like (thích), share (chia sẻ bài viết), add friend (kết bạn trên FB) với nhau… thì cách cư xử của họ có thể được xem là có khả năng gây ra sự thiếu công tâm trong quyết định của Thẩm phán.

Từ trường hợp này, có thể hiểu việc đương sự có những trao đổi, tương tác dù là trực tuyến với Thẩm phán (người đưa ra phán quyết cuối cùng) thì đây cũng có thể được xem là một căn cứ để cho rằng Thẩm phán sẽ thiên vị và việc tương tác trực tuyến ngay trước thời điểm ra phán quyết cuối cùng giữa Thẩm phán và đương sự sẽ có khả năng tác động đến tính khách quan của phán quyết.

Liên hệ một chút về Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 (“BL TTDS 2015”), Việt Nam cũng có những quy định liên quan đến nguyên tắc bảo đảm tính vô tư, khách quan khi tiến hành các hoạt động tố tụng của các chủ thể, như:

Điều 16 BLTTDS 2015 quy định các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng “không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”;

Đồng thời, Khoản 3 Điều 52 BL TTDS 2015 cũng quy định một trong những căn cứ để từ chối, thay đổi người tiến hành tố tụng đó chính là: “Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”;

Nếu như người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn tiến hành các hoạt động tố tụng và ra những bản án, quyết định thì đây có thể được xem là một trong những căn cứ để bản án, quyết định đó được xem là có “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và có thể sẽ được giải quyết theo thủ tục Phúc thẩm, Giám đốc thẩm (theo khoản 2 Điều 310 và điểm b Khoản 1 Điều 326 BL TTDS 2015).

Hiện tại, chưa có một văn bản cụ thể nào hướng dẫn chi tiết về căn cứ có “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” “có căn cứ cho rằng có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ” nên nếu xảy ra trường hợp tương tự ở Việt Nam, việc cho rằng “Thẩm phán có những tương tác trực tuyến với đương sự gây ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan nên dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” có thể là một hướng giải quyết của Tòa án Việt Nam trong thời buổi công nghệ phát triển và con người có nhiều cách thức tương tác, giao tiếp như hiện nay./.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến vấn đề này xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự

– E-mail: info@lttlawyers.com

– Phone: (+84) 906 122 830

– Website: www.lttlawyers.com

– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.