Thế lưỡng nan của các nhà sáng lập

Thế lưỡng nan của các nhà sáng lập

Luật sư Lê Trọng Thêm- Công ty Luật LTT & Lawyers

Một người bạn hỏi rằng, tôi và anh A có thể làm ăn chung được với nhau không? Tôi hỏi lại lý do nào khiến anh ý dự khi hợp tác với một người mà năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và tài chính đủ mạnh. Tìm hiểu ra mới biết, các bên còn e ngại về lòng tin và sự hòa hợp, bổ trợ về tính cách của nhau.

Nói một cách rõ ràng hơn thì một trong các bên có cảm giác không yên tâm về liệu rằng mình có thể kiểm soát được người còn lại, liệu rằng lợi ích của bản thân có được đảm bảo. Thực ra, rào cản này không phải là không có căn cứ, nhưng câu hỏi tại sao các bên không thẳng thắn ngồi lại xây dựng cơ chế hợp tác và thể hiện những thỏa thuận này thành văn bản.

Thế lưỡng nan của các nhà sáng lập doanh nghiệp là tựa đề sách được dịch ra tiếng Việt của tác giả Noam Wasserman. Cuốn sách này mô tả rất nhiều tình huống thực tiễn xảy ra tình thế các nhà sáng lập mắc kẹt và thất bại trong hợp tác kinh doanh cùng nhau. Dù những nhà sáng lập có mối quan hệ thân thiết như anh chị em ruột, bạn thân hay những người tình cờ gặp nhau ở ý tưởng chung khi khởi sự cùng nhau đều có thể phát sinh thế “đi không được, ở cũng không xong”. Vấn đề cốt lõi trong các tình huống này xảy ra đến từ việc tìm kiếm người chơi và xây dựng luật chơi hơn là khả năng thành công của lĩnh vực kinh doanh cùng nhàu.

Trang bài viết trích trong Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Thành công hay thất bại đều sinh ra mẫu thuẫn

Đa phần những nhà sáng lập gặp nhau ở chí hướng, ở ý tưởng kinh doanh triển vọng rồi nhanh chóng lao vào nhau, dành rất nhiều thời gian và tâm sự với nhau về các hoạt động kinh doanh. Những ngày đầu họ gặp nhau, phần lớn thời gian và nguồn lực tập trung cho công việc kinh doanh chung. Khi ý tưởng kinh doanh gặp vấn đề, khi đó ai trong số họ đều mong muốn giải quyết khó khăn theo hướng của mình, cái tôi của mỗi người được đẩy lên rất cao. Khi không ai chịu ai, thì họ sử dụng quyền lực pháp lý được thỏa thuận một cách hời hợt và không rõ ràng từ ban đầu để nói chuyện với nhau.

Nhiều câu chuyện pháp lý từ thực tiễn tại Việt Na minh chứng cho điều này việc tranh chấp con dấu, tranh chấp trụ sở, tranh chấp tài sản trí tuệ, tranh chấp quyền điều hành…vv. Những vị trí chức vụ như chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, người đại diện theo pháp luật ban đầu được bầu bán dựa trên cơ chế tự bầu, tự phong mà không hiểu quyền và nghĩa vụ của mình đến đâu.

Trước khi thành lập và kinh doanh, những người sáng lập ngang hàng ít khi có sự tranh dành quyền lợi. Đến khi công việc kinh doanh có khởi sắc, có doanh thu thì vấn đề chia chiếc bánh hữu hạn được đặt ra cân đo, đong đếm công sức của từng người. Hiện trạng ở Việt Nam rất nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ ảo, không tuân thủ vấn đề góp vốn trong thời hạn luật định.

Thậm chí, việc ghi chép sổ sách tài chính không được thực hiện. Khi chia lợi nhuận, nhiều nhà sáng lập nảy sinh bất đồng khi bắt đầu thảo luận với nhau về cách thức chia bánh và tỷ lệ mỗi bên được hưởng. Nội bộ của các nhà sáng lập có sự chia rẽ lợi ích và quyền quản trị công ty là một trong các lý do khiến doanh nghiệp chỉ phát triển được một vài năm đầu khi khởi nghiệp, những năm tiếp theo là tình trạng không ai còn động lực để phát triển công ty.

Từ hai tình huống cho chúng ta thấy mâu thuẫn không chỉ xuất hiện khi những nhà sáng lập thất bại trong hoạt động kinh doanh mà ngay cả khi thành công thì bất đồng và mẫu thuẫn cũng có thể xảy ra. Vấn đề còn lại là những nhà sáng lập có tìm ra hướng giải quyết từng tình huống cụ thể không. Nếu các bên ngay từ đầu đã bàn bạc đến cách thức xử lý mẫu thuận thì câu chuyện họ dơi vào tình huống khó xử sẽ không xảy ra.

Xuề xòa trong thỏa thuận dễ đẩy các bên vào thế lưỡng nan

Khác với văn hóa hợp tác kinh doanh của doanh nhân ở các quốc gia phát triển, nhiều nhà sáng lập Việt Nam dường như ngần ngại bàn bạc kỹ lưỡng với nhau về những “luật chơi” mà các bên phải theo khi chơi cùng một sân. Phần vì tâm lý “cả nể” không muốn đàm phán, minh bạch về nghĩa vụ và lợi ích của mình trong trò chơi. Phần vì kiến thức pháp lý và kinh nghiệm hợp tác còn hạn chế. Dẫn đến tình trạng các bên tham gia cuộc chơi mà không có luật chơi rõ ràng, cũng như không chuẩn bị phương án giải quyết trong trường hợp hoạt động kinh doanh thuận lợi và không thuận lợi.

Một thực tế đáng buồn khi tiếp cận các tài liệu pháp lý trong 2 năm đầu của các doanh nghiệp start-up, có nhiều trường hợp các nhà sáng lập chưa nhìn thấy hoặc chưa từng đọc điều lệ của công ty. Thậm chí nhiều điều lệ công ty sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp, công ty cũng không còn giữ lại để điều chỉnh luật chơi của các bên. Đến khi mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra các bên thường có xu hướng giải quyết theo lập trường của riêng mình mà không ngồi lại để tìm giải pháp tốt nhất cho công ty.

Các nhà sáng lập, những doanh nhân chuyên nghiệp thường rất kỹ tính khi tìm kiếm người bạn đồng hành. Họ biết cách xây dựng luật chơi và tham gia vào như những người chơi chuyên nghiệp. Bằng chứng là mỗi khi gặp vấn đề gây tranh cãi họ sẵn sàng mở luật chơi ra và nói chuyện bình đẳng, sòng phẳng với nhau.

Trang bài viết trích trong Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (P2)

Đừng bao giờ bỏ quên điều khoản thoái lui

Trạng thái mắc kẹt, tiến lên không được và lùi lại cũng không xong là một tình thế tệ hại nhất trong hợp tác kinh doanh. Nếu trạng thái này không được giải quyết kịp thời, doanh nghiệp khởi nghiệp không những không phát triển mà còn bị tụt lùi do mất cơ hội kinh doanh.

Đó là lý do tại sao điều khoản thoái lui (“Exiting clause”) là một trong những điều khoản căn bản không thể thiếu trong các thỏa thuận hợp tác mà doanh nhân ở các quốc gia phát triển thường rất quan tâm. Họ quan niệm rằng, bất kỳ cuộc hôn nhân nào trong kinh doanh, tình huống phải chia tay đều có thể xảy ra. Do vậy, điều khoản thoái lui thường được các bên bàn bạc và thống nhất rất rõ ràng để “mất lòng trước, được lòng sau”. Đôi khi việc rút lùi trong tâm thế và tình trạng tốt đẹp giữa các bên lại là một cái kết có hậu cho một sự hợp tác.

Tinh thần khởi nghiệp quốc gia của Việt Nam đang lên rất cao, hàng năm có hàng trăm nghìn doanh nghiệp mới được thành lập. Tuy nhiên, theo thống kê ước tính có hơn 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp chết yểu. Một trong các lý do các công ty khởi nghiệm không thể thành công xuất phát từ tình trạng tranh chấp quyền lợi và lợi ích của những đồng sáng lập. Như vậy, một trong những vấn đề cần quan tâm là nhu cầu tư vấn pháp lý cho các doanh nhân về cả vấn đề bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp. Hy vọng rằng các nhà sáng lập, doanh nhân Việt Nam sớm nhận diện “thế lưỡng nan” để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi sự của mình.

Theo Ls. Lê Trọng Thêm – Luật sư điều hành Công ty Luật LTT & Lawyers