Thủ Tục Xin Cấp Giấy Phép Lao Động Cho Người Nước Ngoài

Thủ Tục Xin Cấp Giấy Phép Lao Động: Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế là một yếu tố tất yếu giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn bằng các sự hợp tác cùng có lợi, cùng nhau phát triển. Trong xu thế này, bên cạnh dòng di chuyển của hàng hóa, vốn và tiền tệ thì còn có di chuyển lao động.

Di chuyển lao động không những có ý nghĩa đối với người lao động (cần việc làm và tiền lương) mà còn có ý nghĩa đối với mỗi quốc gia về xây dựng chính sách lao động. Việt Nam đã và đang là một thị trường lao động nhiều tiềm năng, không những thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với người lao động nước ngoài.

Giấy phép lao động (work permit) cho người nước ngoài để làm việc tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng và để chuẩn bị cho việc làm hồ sơ xin Visa Lao Động. Hãy cùng tìm hiểu vấn đề xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài ở bài viết bên dưới:

Thủ Tục Xin Cấp Giấy Phép Cho Người Nước Ngoài

Giấy phép lao động là gì ?

Hiện nay, số lượng người lao động nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng và đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì thuật ngữ “Giấy phép lao động” đã không còn xa lạ.

Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người lao động nước ngoài, cho phép họ được làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

Các thông tin cơ bản được ghi trong Giấy phép

Tại Việt Nam, nội dung trong giấy phép lao động bao gồm các thông tin cơ bản như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, trình độ chuyên môn, thông tin nơi làm việc, vị trí công việc và thời hạn làm việc … Việc làm được coi là hợp pháp nếu người nước ngoài làm công việc như đã được ghi trong giấy phép.

Sự cần thiết của Giấy phép lao động

Để quản lý tốt việc đi lại của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Chính phủ yêu cầu người nước ngoài phải xuất trình Giấy phép lao động khi làm các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh và theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam, đồng thời Người sử dụng lao động sử dụng công dân nước ngoài mà không có giấy phép lao động làm việc cho mình thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể nói giấy phép lao động là tấm vé thông hành cần và đủ cho người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp, ổn định và lâu dài tại Việt Nam.

Thủ tục và hồ sơ xin Cấp giấy phép

Theo Điều 6 Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH, hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động gồm có các tài liệu sau:

– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế, có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe;

– Lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.

– Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.

Văn bản chứng minh là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giáo viên (Văn bản xác nhận là chuyên gia; Bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam…). Đối với một số nghề, công việc, văn bản xác nhận trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động nước ngoài được thay thế bằng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy công nhận là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

b) Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài;

c) Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài; và

d) Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay.

– 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ; và

– Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài.

Người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lao động cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc, trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định và phát hành thống nhất. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Lưu ý: Các giấy tờ của người lao động nước ngoài do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt, trừ các trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến “Giấy phép lao động” xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎ Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 862.707.278
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.