Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh Quán Cafe, Trà Sữa

Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh

Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh Quán Cafe, Trà Sữa

Kinh doanh quán cà phê, trà sữa đang là hoạt động thu hút nhiều start-up hiện nay. Tuy nhiên, cũng như bao hoạt động kinh doanh khác, hoạt động này cũng cần phải đáp ứng được các quy định từ cơ quan nhà nước. Vậy thủ tục mở quán cafe, quán trà sữa được thực hiện như thế nào?

Hình thức kinh doanh

Việc đầu tiên, bạn cần xác định là mô hình kinh doanh của mình thuộc loại hình nào. Bất kỳ mô hình kinh doanh nào cũng đều được tổ chức dưới dạng các loại hình kinh doanh sau đây:

  • Doanh nghiệp: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh lớn hoặc trung bình.
  • Hộ kinh doanh: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh trung bình hoặc nhỏ.
  • Cá nhân kinh doanh: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh rất nhỏ.

Với những start-up đang ấp ủ xây dựng một chuỗi địa điểm kinh doanh thì mô hình doanh nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu. Còn lại thì hình thức Hộ kinh doanh sẽ phù hợp với những bạn hướng đến mô hình các quán cafe, trà sữa phục vụ một số đối tượng nhất định trong một khu vực giới hạn. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn mô hình Hộ kinh doanh.

Theo khoản 1, điều 66, nghị định 78/2015/NĐ-CP, Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Trình tự thủ tục ĐKKD như sau:

Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Số vốn kinh doanh;

d) Số lao động;

đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Tóm tắt trình tự đăng ký kinh doanh:

  • B1: Gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký cấp huyện nơi đặt địa điểm với các thông tin cơ bản của mình & nộp lệ phí đăng ký.
  • B2: Chờ đợi cơ quan đăng ký xét duyệt.
  • B3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc sửa đổi, bổ sung các thông tin cần thiết nếu được yêu cầu trong vòng 03 ngày kể từ ngày nộp.

Các loại thuế phải nộp:

Các loại thuế mà cơ sở kinh doanh có thể phải nộp bao gồm:

  • Lệ phí môn bài
  • Thuế Giá trị gia tăng (GTGT)
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

* Lưu ý: Với mô hình dịch vụ ăn uống, cần có thêm một thủ tục bắt buộc nữa đó là xin Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).thutucdangkykinhdoanh

Thủ tục cấp Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP):

Với mô hình dịch vụ ăn uống, ngoài việc đăng ký kinh doanh, cần có thêm một thủ tục bắt buộc nữa đó là xin Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Hồ sơ xin giấy phép An toàn vệ sinh thực phẩm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Mẫu 1 được ban hành kèm theo Thông tư này).
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
  • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:

a) Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;

b) Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.

  • Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm:

a) Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (có xác nhận của cơ sở);

b) Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách đã được tập huấn (có xác nhận của cơ sở).

  • Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế:

a) Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (Có xác nhận của cơ sở);

b) Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khoẻ, xét nghiệm phân của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Có xác nhận của cơ sở).

Tóm tắt trình tự xin giấy phép An toàn vệ sinh thực phẩm:

B1: Đến lấy mẫu hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền về VSATTP, điền đầy đủ thông tin và nộp lại cho cơ quan.

B2: Cơ quan thẩm xét hồ sơ và thẩm định cơ sở. Nếu đạt yêu cầu thì cơ sở sẽ nhận được Giấy chứng nhận VSATTP.

B3: Nếu cơ sở chưa đạt, sẽ được thẩm định lại trong vòng 3 tháng. Khi đó đoàn thẩm định có quyền đề xuất đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến Thủ tục xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự

– E-mail: info@lttlawyers.com

– Phone: (+84) 906 122 830

– Website: www.lttlawyers.com

– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

[kkstarratings]