Tổ chức đại diện người lao động là gì? Thủ tục thành lập ra sao? Có những quyền hạn và nghĩa vụ gì?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Bộ Luật lao động 2019, cụ thể: “Tổ chức đại điện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Tổ chức đại diện tại cơ sở bao gồm:
+ Công đoàn cơ sở
+ Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Quy trình thành lập tổ chức
Quy trình thành lập công đoàn cơ sở
Theo hướng dẫn tại Hướng dẫn 03/HD-TLD năm 2020, quy trình thành lập công đoàn cơ sở được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Lập Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.
Chi tiết công việc như sau:
– Người lao động là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên công đoàn tiến hành vận động người lao động khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở thông qua hình thức tổ chức ban vận động;
– Các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ;
– Khi có 05 người trở lên tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở trưởng ban vận động liên hệ công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
Bước 2. Tổ chức đại hội
Tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở. Nội dung đại hội; thành phần tham dự đại hội được thực hiện theo khoản 12.2 mục 12 Trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn cơ sở.
Bước 3. Lập hồ sơ
Lập hồ sơ đề nghị công nhận công đoàn cơ sở
– Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội; ban chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét; công nhận việc thành lập công đoàn cơ sở. Thành phần hồ sơ thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 12.3 Hướng dẫn số 03.
Bước 4. Nhận thông báo của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về việc thành lập công đoàn cơ sở
– Trường hợp đủ điều kiện, đúng quy định pháp luật, ban hành quyết định công nhận đoàn viên; công đoàn cơ sở, ban chấm hành và các chức danh của ban chấp hành theo quy định;
– Trường hợp không đủ điều kiện sẽ thông báo bằng văn bản cho người lao động; đồng thời hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, thủ tục.
Quy trình thành lập tổ chức
Do là điểm mới trong Bộ luật Lao động nên hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Điều 172 Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ quy định như sau:
– Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ được thành lập theo trình tự, thủ tục luật định và được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (Có thể là cơ quan quản lý nhà nước về lao động);
– Một trong các hồ sơ để thành lập tổ chức là phải có Điều lệ hoạt động. Bản điều lệ này được hướng dẫn tại Điều 174 Bộ luật Lao động năm 2019;
– Ngoài ra, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể gia nhập Công đoàn Việt nam. Trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam; thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp
Theo Điều 178 Bộ luật lao động quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
1. Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này.
2. Đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật này.
3. Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.
4. Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.
5. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.
6. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký.
7. Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
8. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy thương lượng tập thể là một trong những hoạt động chính và là một trong các quyền quan trọng nhất của một tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, và việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phải gắn liền với quyền thương lượng tập thể dành cho tổ chức này. Bởi vậy, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động là quyền được nêu tên đầu tiên trong danh sách các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức đại diện người lao động được thành lập hợp pháp đều có quyền thương lượng tập thể. Theo quy định của Điều 68 Bộ luật lao động 2019 về quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, các nhà làm luật xác định, một tổ chức có quyền thương lượng hay không dựa trên tỷ lệ người lao động mà tổ chức đó đại diện trong doanh nghiệp. Theo đó, một tổ chức sẽ có quyền thương lượng khi đạt một trong các điều kiện sau:
1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
2. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.
3. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này.