Nên Chọn Thành Lập Chi Nhánh Hay Văn Phòng Đại Diện Để Mở Rộng Hoạt Động Kinh Doanh?

Việc mở rộng hoạt động kinh doanh đã và đang là vấn đề được các công ty ưu tiên hàng đầu khi hoạt động có hiệu quả. Theo Luật doanh nghiệp hiện hành, công ty được phép thành lập hai loại hình đơn vị phụ thuộc là chi nhánh và văn phòng đại diện.

Một công ty có thể thành lập một hay nhiều đơn vị phụ thuộc ở cùng một địa phương hoặc nhiều địa phương khác nhau. Nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các đơn vị phụ thuộc, LTT & Lawyers muốn chia sẻ đến mọi người các quy định về hai loại hình đơn vị phụ thuộc là chi nhánh và văn phòng đại diện, để từ đó doanh nghiệp có thể chọn các loại hình đơn vị phụ thuộc phù hợp với tình hình hoạt động cũng như chiến lược phát triển của doanh nghiệp để mở rộng hoạt động king doanh của mình.

Nên Chọn Thành Lập Chi Nhánh Hay Văn Phòng Đại Diện Để Mở Rộng Hoạt Động Kinh Doanh?

1. Nhiệm vụ của các đơn vị phụ thuộc trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh:

Theo quy định tại Điều 45 Luật Doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và có các nhiệm vụ như sau:

– Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền; ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

– Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Do đó, văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu công ty muốn thành lập một đơn vị mà có thể có chức năng, hoạt động theo ngành, nghề kinh doanh hiện tại của công ty thì nên thành lập chi nhánh. Còn nếu công ty muốn mở đơn vị nhằm quảng cáo, liên lạc với các đối tác thì công ty có thể thành lập văn phòng đại diện.

2. Hạch toán phụ thuộc hay hoạch toán độc lập với công ty?

Văn phòng đại diện phải hạch toán phụ thuộc vào doanh nghiệp; chi nhánh có thể chọn một trong hai hình thức hạch toán phụ thuộc và hạch toán độc lập tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp.

Do đó nếu công ty muốn mở rộng hoạt động kinh doanh chọn loại hình đơn vị phụ thuộc hạch toán phụ thuộc vào công ty thì đều có thể chọn thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Nhưng nếu công ty muốn đơn vị phụ thuộc hoạch toán độc lập thì chỉ có thể chọn thành lập chi nhánh.

3. Các loại thuế, lệ phí liên quan

Về lệ phí môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng của chi nhánh/văn phòng đại diện, doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:

a) Đối với lệ phí môn bài:

Theo quy định tại Điều 2.6, Điều 4.1.c, Điều 5.3.b Nghị định 139/2016/NĐ-CP: (i) Văn phòng đại diện/Chi nhánh của doanh nghiệp thực hiện nộp lệ phí môn bài 1.000.000 đồng/năm; (ii) Trường hợp chi nhánh/văn phòng đại diện đặt kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh thì chi nhánh/văn phòng đại diện thực hiện nộp Hồ sơ khai lệ phí môn bài của chi nhánh/văn phòng đại diện cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh/văn phòng đại diện đó; (iii) Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm. Trường hợp tổ chức mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

b) Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp:

Theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC, thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định như sau:

(i) Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc và đăng ký hạch toán phụ thuộc thì đơn vị trực thuộc đó không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp và khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc; và

(ii) Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc và đăng ký hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc đó nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc.

c) Đối với thuế giá trị gia tăng:

Theo quy định tại Điều 11.1 Thông tư 156/2013/TT-BTC:

(i) Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng nơi doanh nghiệp có trụ sở chính thì doanh nghiệp thực hiện khai thuế giá trị gia tăng chung cho cả đơn vị trực thuộc. Nếu đơn vị trực thuộc có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng. Đối với trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke, Cục trưởng Cục thuế địa phương quyết định vè việc kê khai tùy thuộc vào tình hình thực tế trên địa bàn quản lý.

(ii) Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc ở khác tỉnh với nơi đặt trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc. Đối với các doanh nghiệp có dự án kinh doanh bất động ở địa phương cấp tỉnh khác nơi doanh nghiệp có trụ sở chính mà có thành lập đơn vị trực thuộc (chi nhánh, Ban quản lý dự án…) thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tóm lại, nếu công ty thành lập chi nhánh/văn phòng đại diện thì công ty phải thực hiện các công việc về thuế, lệ phí như sau:

1. Chi nhánh/văn phòng đại diện thực hiện nộp Hồ sơ lệ phí môn bài tại Chi cục thuế nơi quản lý chi nhánh/văn phòng đại diện và thực hiện nộp lệ phí môn bài là 1.000.000 đồng/năm;

2. Trường hợp chi nhánh/văn phòng đại diện của công ty hạch toán phụ thuộc thì chi nhánh/văn phòng đại diện không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp và công ty có trách nhiệm khai thuế tập trung tại nơi đặt trụ sở cả phần phát sinh tại chi nhánh/văn phòng đại diện. Trường hợp chi nhánh của công ty hạch toán độc lập thì chi nhánh đại diện nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc; và

3. Trường hợp Chi nhánh/văn phòng đại diện đặt cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở công ty, công ty có trách nhiệm nộp hồ sơ kê khai cho cả chi nhánh/văn phòng đại diện trừ các trường hợp như đã phân tích ở trên.

4. Trường hợp Chi nhánh/văn phòng đại diện đặt khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty đặt trụ sở, Chi nhánh/văn phòng đại diện có trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tại Chi cục thuế nơi quản lý trực tiếp. Ngoài ra, công ty phải thực hiện đăng ký thuế giá trị gia tăng và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ nếu chi nhánh hoạt động kinh doanh bất động sản tại Chi cục thuế nơi quản lý trực tiếp.

——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến chủ đề này xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
☎️ Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 862.707.278
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.