Dẫn độ là gì? Từ vụ việc biểu tình tại Hongkong có liên quan gì tới việc dẫn độ

Dẫn độ đã có và được hiểu từ cách đây rất lâu, trước khi cả những luật định và quy định về dẫn độ ra đời.

Nhưng có lẽ không ít người hiểu hết được hết khái niệm dẫn độ là gì? hay việc dẫn độ đối với Việt Nam ra sao? Áp dụng đối với quốc tế như thế nào?

Bài viết dưới đây của LTT và Các Cộng Sự sẽ đi phân tích cụ thể cho quý vị có một cái nhìn cụ thể nhất về dẫn độ

Dẫn độ là gì?

Theo wikipedia, “Dẫn độ là một hành vi trong đó chủ thể có quyền lực pháp lý (quyền tài phán) đưa ra yêu cầu một người bị buộc tội hoặc bị kết án phạm tội ở một khu vực tài phán khác, cho cơ quan thực thi pháp luật của họ thực hiện.

Đó là một quá trình thực thi pháp luật hợp tác giữa hai khu vực pháp lý và phụ thuộc vào các thỏa thuận được thực hiện giữa các khu vực này.

Bên cạnh các khía cạnh pháp lý của quy trình, dẫn độ cũng liên quan đến việc chuyển giao quyền nuôi con của người bị dẫn độ đến cơ quan pháp lý của cơ quan tài phán yêu cầu.”

Theo luật Việt Nam, Điều 32.1 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 (“Luật TTTP”) định nghĩa “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.”

Tại Hồng Kông, Dự luật đối với người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau trong lập pháp các vấn đề Hình sự (sửa đổi) liên quan đến vấn đề dẫn độ (“Dự luật Dẫn độ”) đã được chính phủ Hồng Kông đề xuất vào tháng 2 năm 2019.

Trong bối cảnh một nghi phạm giết người có khả năng thoát tội do tòa án Hồng Kông không có thẩm quyền xét xử những hành vi xảy ra bên ngoài lãnh thổ Hồng Kông, nhưng lại đồng thời không thể dẫn độ y sang Đài Loan.

Nơi xảy ra tội phạm vào tháng 2/2018, vì hai bên chưa có hiệp ước dẫn độ. Đây được xem là “lỗ hổng pháp lý” lớn nhất của nền tư pháp Hồng Kông.

Sự cần thiết của một hiệp ước dẫn độ để bảo vệ công lý và trừng trị tội phạm là rất cần thiết, tuy nhiên, nó lại vấp phải sự phản đối của một bộ phận đông đảo người Hồng Kông thời gian qua, khi đặt lên bàn cân với dân chủ và nhân quyền.

Cơ sở pháp lý về dẫn độ ở Việt Nam

Luật Việt Nam hiện hành chưa có một văn bản cấp luật/bộ luật quy định riêng cho vấn đề dẫn độ.

Hiện nay, Luật TTTP, Bộ luật Tố tụng hình sự là các văn bản điều chỉnh những vấn đề về nguyên tắc, trình tự và thủ tục dẫn độ.

dan-do-la-gi

Bên cạnh đó, hoạt động dẫn độ còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội phạm và hình phạt, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Quốc tịch năm 2008, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Cư trú năm 2006… và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Bộ Công an đang đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ khi mà Luật TTTP đã bộc lộ nhiều bất cập, không khả thi, xung đột với các Điều ước quốc tế và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Công dân Việt Nam có thể bị dẫn độ sang quốc gia khác không?

Theo Điều 35.1(a) Luật TTTP, cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam sẽ không thực hiện yêu cầu dẫn độ (“YCDĐ”) công dân Việt Nam cho bất kỳ quốc gia nào.

Điều này đồng nghĩa rằng, trong trường hợp công dân Việt Nam bị cáo buộc vi phạm pháp luật hình sự của bất kỳ quốc gia nào nhưng nếu còn ở Việt Nam thì sẽ chịu sự xét xử của cơ quan tài phán và pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu công dân Việt Nam bị cho rằng vi phạm pháp luật nước ngoài khi họ đang có mặt tại quốc gia đó thì công dân Việt Nam có thể bị truy tố, xét xử theo pháp luật của quốc gia sở tại.

Trong trường hợp công dân Việt Nam phạm tội theo pháp luật Việt Nam nhưng cố tình lẩn trốn sang nước ngoài, cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam có thể yêu cầu nhà nước sở tại thực hiện YCDĐ người đó về Việt Nam để xét xử.

Tính đến tháng 5/2019, có khoảng  1.200 người Việt phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ và nhiều trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Công dân nước ngoài có bị Việt Nam cho phép dẫn độ ra nước ngoài

Theo quy định tại Điều 33.1 Luật TTTP, người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

Nếu thuộc các trường hợp vừa nêu, công dân nước ngoài có thể bị Việt Nam thực hiện việc dẫn độ.

Ngoài các văn bản nội luật, Việt Nam còn tham gia ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định dẫn độ và hiệp định chuyển giao người bị kết án với hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (các quốc gia như: Anh, Tây Ban Nha, Hung-ga-ri, Nga, U-crai-na, Hàn Quốc, Triều Tiên, Ô-xtơ-rây-li-a, ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc,…).

Theo các hiệp định này, nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện YCDĐ của quốc gia đã giao kết hiệp định theo những quy định, điều kiện đã thỏa thuận.

Điều này đồng nghĩa với việc khi công dân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc vi phạm pháp luật nước ngoài nhưng bỏ trốn sang Việt Nam, Nhà nước Việt Nam có thể thực hiện YCDĐ công dân nước ngoài về quốc gia có YCDĐ để xét xử.

Căn cứ quy định của Luật TTTP năm 2007, áp dụng điều ước quốc tế (ĐƯQT) và áp dụng pháp luật có liên quan, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 23 YCDĐ của nước ngoài[1] (12 YCDĐ theo các hiệp định song phương về dẫn độ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Bun-ga-ri, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Ô-xtrây-li-a; 11 YCDĐ theo nguyên tắc có đi có lại với Cộng hòa Lít-va, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa Tuy-ni-di, Vương quốc Anh).

Chi phí cho việc dẫn độ sẽ do bên YCDĐ chi trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Lợi ích và hạn chế

Dẫn độ giúp các quốc gia thực hiện quyền tài phán của mình, góp phần đảm bảo tính chất răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Đồng thời, bằng dẫn độ, các quốc gia cũng gửi đi thông điệp rằng, các công dân không thể trốn tránh được trách nhiệm hình sự của mình dù cố tình trốn thoát ra nước ngoài và tội phạm phải bị trừng trị bằng các hình phạt thích đáng.

Tuy nhiên, dẫn độ cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Trong trường hợp công dân nước ngoài vi phạm pháp luật hình sự của quốc gia sở tại nhưng theo thỏa thuận về dẫn độ, quốc gia sở tại lại mất quyền tài phán đối với hành vi phạm tội trên lãnh thổ quốc gia mình.

Điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh và an toàn xã hội của nước sở tại. Ví như vụ việc gần đây tại khu đô thị Our City, Hải Phòng, khoảng gần 400 nghi phạm người Trung Quốc liên quan đến một đường dây đánh bạc online đã được Bộ Công an thực hiện dẫn độ trở lại Trung Quốc.

Pháp luật quốc tế về dẫn độ

Việc dẫn độ đã tồn tại từ lâu đời. Lúc ban đầu, dẫn độ thường tập trung vào các kẻ thù chính trị hơn là những tội phạm thông thường.

Một trong những văn bản ngoại giao đầu tiên quy định về dẫn độ được ghi lại bằng chữ tượng hình là Hiệp ước giữa Ramses II – Pharaoh của Ai Cập và Hattusili III – vua của người Hittite (vùng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào khoảng thế kỷ 13 TCN.

Về sau, các thỏa thuận dẫn độ chú trọng hơn việc trao đổi những tội phạm giết người, hiếp dâm, tấn công bạo lực và các tội ác khác, bên cạnh các kẻ thù chính trị.

Ngày nay, các quốc gia trong Liên hợp quốc đã ký kết các hiệp định đa phương về từng lĩnh vực cụ thể để chống các loại tội phạm quốc tế, trong đó có các quy định làm cơ sở cho dẫn độ, như Công ước Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên Quốc gia.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng ký kết với nhau các hiệp định song phương. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 7/2019, Việt Nam là thành viên của 22 ĐƯQT đa phương, 11 hiệp định TTTP song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ.

Trong luật pháp quốc tế, các quốc gia thường từ chối dẫn độ liên quan đến 3 trường hợp, đó là:

  • Người bị cho là phạm tội liên quan đến chính trị
  • Người bị cho là phạm tôi liên quan đến quân đội
  • Người phạm tội liên quan đến gián điệp

Pháp luật về dẫn độ – Nhìn từ Hồng Kông

Như đã đề cập ở phần đầu tiên, sự cần thiết của hiệp ước dẫn độ để trừng trị tội phạm, “lấp lỗ hổng pháp lý” của nền tư pháp Hồng Kong là không thể phủ nhận.

Thực tế, Hồng Kong cũng đã có nhiều hiệp định tương trợ tư pháp với các quy định về dẫn độ với các quốc gia như Canada, Mỹ, v.v.

Tuy nhiên, thành phố không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, Đài Loan hay Ma Cao.

Lý do được cho là Hồng Kong và Trung Quốc đại lục có sự khác biệt cơ bản về nguyên tắc pháp quyền và quan điểm về xét xử công bằng.

Nói cách khác, một người có thể bị coi là phạm tội ở Trung Quốc đại lục chưa hẳn đã phạm tội ở Hồng Kong. Và ngay cả khi cùng bị xem là tội phạm, quan điểm về nhân đạo, về dân chủ và xét xử công bằng cũng khác nhau ở hai lãnh thổ.

bieu-tinh-tai-hong-kong

Hiệp ước dẫn độ không khả thi. Nhưng cũng không thể để lọt lưới tội phạm. Không cần diễn tả sự bức xúc của dư luận khi tên nghi phạm giết người man rợ Trần Đồng Giai chỉ phải chịu một hình phạt nhẹ hơn rất nhiều về một tội liên quan đến tài sản chứ không phải tính mạng nạn nhân.

Đó là lúc Dự luật dẫn độ được đề xuất hồi tháng 2/2019. Với mục tiêu “lấp lỗ hổng pháp lý”, nó sẽ trao cho Đặc khu trưởng Hồng Kong quyền được quyết định việc dẫn độ một cá nhân bất kỳ từ Hồng Kong sang một lãnh thổ khác không có hiệp ước dẫn độ với thành phố trong từng trường hợp cụ thể.

Dự luật cũng có những quy định giới hạn các trường hợp bị dẫn độ như: không dẫn độ các tội phạm chính trị, hạn chế dẫn độ đến quốc gia mà tội phạm đó có thể bị kết án tử hình…

Mặc cho chính quyền ra sức thuyết phục rằng Dự luật dẫn độ là nhằm thực thi công lý và những trường hợp như Trần Đồng Giai đến Đài Loan xét xử, Dự luật trên vẫn vấp phải sự phản đối kịch liệt.

Những cuộc biểu tình quy mô lên đến hàng trăm nghìn người, có lúc hơn một triệu người, trong đó có sự tham gia của đông đảo luật sư, luật gia và trí thức trẻ Hồng Kong kéo dài trong suốt nhiều tháng qua.

Những tổn thất về tài sản và thậm chí là thân thể, tính mạng. Lý do là đâu? Tại sao người Hồng Kong phải hi sinh nhiều như vậy? Điều họ muốn gìn giữ, bảo vệ là gì?

Chắc rằng những người phản đối Dự luật cũng căm ghét những tội ác như Trần Đồng Giai. Nhưng, họ còn là những người bảo vệ dân chủ, nhân quyền, những điều làm nên một Hồng Kong rất riêng biệt, không giống với bất kỳ thành phố nào của Trung Quốc.

Sự phản ứng dữ dội và bền bỉ của người Hồng Kong thời gian qua thể hiện trình độ nhận thức rất cao về dân chủ và nhân quyền.

Họ hiểu rằng một khi Dự luật được thông qua, nó sẽ là công cụ để Bắc Kinh (thông qua Đặc khu trưởng) có thể những nhà hoạt động dân chủ hay bất kỳ ai khác về một tội… không liên quan đến chính trị (như tội phạm kinh tế chẳng hạn).

Và họ không tin rằng hệ thống công an và tòa án của Trung Quốc sẽ cho những người bị phạm tội được xét xử công bằng, nhân đạo, đảm bảo dân chủ.

Ngày 23/10 vừa rồi, Hội đồng lập pháp Hồng Kong đã chính thức rút Dự luật dẫn độ. Cùng ngày, Trần Đồng Giai – nghi phạm giết người khiến chính quyền đề xuất dự luật, được ra tù.

Vấn đề phạm tội trên tạm thời bị bỏ ngõ. Đứng trước những nguy cơ về dân chủ, nhân quyền và đến lúc này đã trở thành vấn đề về độc lập, tự trị của cả một vùng lãnh thổ, pháp quyền sẽ vẫn cần được thực thi, nhưng có lẽ cần thềm thời gian và giải pháp phù hợp.


[1] Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ

Kết Luận

Với mỗi quốc gia, nền thể chế chính trị thì sẽ có quy định riêng về vấn đề trên. Nhưng cho dù thế nào, việc làm sai, trái quy định pháp luật thì đều phải chịu sự xét xử nghiêm minh của pháp luật.

Hy vọng bài viết trên đây về trên có thể giúp quý vị hiểu rõ hơn về Dẫn Độ.

Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự (“LTT & Lawyers”) là công ty luật năng động, cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh thương mại cho các khách hàng cá nhân và tổ chức trong nước và quốc tế.

Bản quyền thuộc về LTT và Các Cộng Sự. Mong các bạn nhớ ghi nguồn khi copy bài viết

Thảo Phương
Công Ty Luật LTT và Các Cộng Sự