Điều lệ khác với quy định pháp luật thì áp dụng văn bản nào?

Điều lệ khác với quy định pháp luật thì áp dụng văn bản nào?

Bên cạnh các quy định mang tính chất bắt buộc chung, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (“LDN 2014”) còn tạo cơ hội để các Doanh nghiệp tự quyết định, điều hành Doanh nghiệp của mình bằng Điều lệ Doanh nghiệp thông qua rất nhiều những điều khoản mở như “trừ trường hợp Điều lệ Công ty có quy định khác”; “tỷ lệ cụ thể do Điều lệ Công ty quy định…”.

Từ đó, có thể hiểu: Các Doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và không được trái luật. Trong trường hợp các quy định của pháp luật có cho phép Doanh nghiệp được quyền tự do quyết định trong một phạm vi nhất định thì Doanh nghiệp vẫn có thể quy định khác với các quy định pháp luật nhưng vẫn phải tuân theo phạm vi đã giới hạn đó.

Ví dụ: Điều 162.2 LDN 2014 có quy định: “Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”.

Ở quy định này, LDN 2014 quy định một tỷ lệ “nhỏ hơn 35%”, LDN 2014 cho phép Doanh nghiệp được tự quyết định một “tỷ lệ khác” nhưng phải nằm trong mức tối đa là “nhỏ hơn 35%”.

Trong trường hợp Điều lệ quy định một tỷ lệ khác mà “lớn hơn 35%”, tức trái với quy định pháp luật thì sẽ giải quyết như thế nào?

Theo Điều 155.1 Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật năm 2015 (“LBHVBQPPL 2015”) quy định “Hiệu lực về không gian” thì “Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”. Bên cạnh đó, theo Điều 15.1 LBHVBQPPL 2015 thì thẩm quyền ban hành Luật thuộc về Quốc hội, một cơ quan nhà nước ở Trung ương. Chính vì thế, LDN 2014 sẽ có hiệu lực áp dụng trong phạm vi cả nước và đương nhiên có hiệu lực pháp lý cao hơn Điều lệ. Trong trường hợp Điều lệ quy định trái với quy định của pháp luật luật thì Điều lệ sẽ không được áp dụng, thay vào đó sẽ áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành.

Do vậy, khi tiến hành xem xét về vấn đề nên áp dụng Điều lệ hay LDN, cần xem xét đến điều khoản cụ thể đó là gì. Trong một số trường hợp LDN có những điều khoản mở để các thành viên, cổ đông tự thỏa thuận tuy nhiên cũng có những điều khoản quy định bắt buộc. Do vậy tùy từng điều khoản mà việc áp dụng Điều lệ hay LDN cũng có sự khác nhau nhất định.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến vấn đề này xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự

– E-mail: info@lttlawyers.com

– Phone: (+84) 906 122 830

– Website: www.lttlawyers.com

– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.