Giấy chứng nhận GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước và nhập khẩu

Giấy chứng nhận GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước và nhập khẩu

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh (theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP). Chúng có thể được xem là một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương.

Do thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người nên việc đảm bảo chất lượng của nhóm thực phẩm này càng trở nên quan trọng.

Hiểu rõ tầm quan trọng trong việc quản lý nhóm sản phẩm này, ngày 02/02/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2014/NĐ-CP nêu rõ kể từ ngày 01/07/2019 thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hay là chứng nhận tương đương.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP).

Thực hành sản xuất tốt ( GMP) là gì?

Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những nguyên tắc quy định về điều kiện sản xuất bao gồm từ việc kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, điều kiện cơ sở nhà xưởng, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người, sự tuân thủ quy trình thao tác thực hành cũng như việc duy trì, giám sát kiểm tra, khắc phục sai lỗi và lưu trữ hồ sơ.

Thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn nhằm mục đích kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất để bảo đảm người tiêu dùng nhận được sản phẩm có chất lượng tốt, phù hợp với mục đích sử dụng.

Do đó, thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe là một hợp phần thiết yếu trong quản lý quá trình sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả nhằm đáp ứng và duy trì cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. (Theo Quyết định Số: 4288/QĐ-BYT do Bộ Y Tế ban hành có hiệu lực ngày 8/8/2016).

Với các yêu cầu và mục đích như trên, việc yêu cầu doanh nghiệp có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (Sau đây gọi là “Giấy chứng nhận GMP”) được xem là một bước tiến quan trọng trong việc thắt chặt quản lý. Đồng thời, giúp bảo vệ tốt những doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt chất lượng trên thị trường “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.

Với tầm quan trọng như vậy, có lẽ quy định này sẽ được hoan nghênh nếu không có sự phân biệt giữa sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Sự phân biệt giữa sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu và sản xuất trong nước như thế nào?

Nghị định 15/2018/NĐ-CP yêu cầu thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu có Giấy chứng nhận GMP hoặc chứng nhận tương đương nhưng thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước có Giấy chứng nhận GMP. Sự khác nhau ở đây là gì?

Đó chính là việc thực phẩm nhập khẩu ngoài Giấy chứng nhận GMP thì có thể xuất trình các Giấy chứng nhận tương đương, nhưng đối với sản phẩm sản xuất trong nước thì chỉ có thể xuất trình Giấy chứng nhận GMP.

Nói cách khác, quy định này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ có một sự lựa chọn là phải xây dựng hệ thống quản lý GMP mà không thể xây dựng và triển khai các hệ thống tương đương, thậm chí có thể toàn diện hơn.

Liệu rằng đây có phải là một sự hạn chế và có tính ép buộc đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước.

Khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước là gì?

Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 75/2017/NĐ-CP và Quyết định số 2728/QĐ-BYT, việc cấp Giấy chứng nhận GMP cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước do Cục An toàn thực phẩm thực hiện.

Như vậy, có nghĩa là Giấy chứng nhận GMP phải do Cục An toàn thực phẩm cấp mới được chấp thuận, doanh nghiệp không thể xin Giấy chứng nhận GMP của bất kỳ đơn vị nào. Điều này có thể dẫn đến một số khó khăn như sau:

Thứ nhất, hiện nay số lượng các doanh nghiệp đang sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà chưa được cấp Giấy chứng nhận GMP hợp lệ được ước tính lên đến hàng ngàn doanh nghiệp. Liệu rằng Cục An toàn thực phẩm có bị quá tải dẫn đến chậm trễ trong việc thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp hay không? Trong quá trình chờ đợi, thì doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất kinh doanh, như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp.

Thứ hai, Cục An toàn thực phẩm là cơ quan quản lý có thẩm quyền tại Việt Nam, có đầy đủ chức năng và quyền hạn để cấp Giấy chứng nhận GMP, do đó các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước sẽ không gặp vấn đề lớn. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu thì như thế nào? Các quốc gia khác trên thế giới liệu có yêu cầu thêm một chứng nhận GMP do bên thứ 3 cấp hay không?

Để giải quyết những khó khăn trên, liệu rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nên cho phép doanh nghiệp sản xuất trong nước được sử dụng các chứng nhận tương đương Giấy chứng nhận GMP cũng như sẽ ủy quyền cho các đơn vị thứ ba đủ điều kiện cấp các chứng nhận này.

Ngoài việc giảm tải khối lượng công việc cho Cục An toàn thực phẩm, việc này cũng giúp đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến Giấy chứng nhận GMP xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự

– E-mail: info@lttlawyers.com

– Phone: (+84) 906 122 830

– Website: www.lttlawyers.com

– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.