Đừng để công nợ biến thành cục máu đông
Lãi trên sổ sách kế toán (công nợ) là trường hợp khá phổ biến của nhiều doanh nghiệp khi kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt để chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động, thanh toán cho đối tác và nộp thuế cho nhà nước.
Nhìn nhận dưới góc độ tài chính, bên nợ trì hoãn khoản thanh toán đến hạn có thể xem là hành chiếm dụng thương mại phổ biến hiện nay.
Khoản nợ không chỉ mang theo mình tiền gốc và tiền lãi, nó còn khiến doanh nghiệp phải trả thay trước 10% thuế VAT, gánh nặng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, đôi khi là phải chịu lãi suất ngân hàng thay cho bên nợ.
Bởi lẽ đa số các trường hợp khoản nợ đã được chủ nợ xuất hóa đơn VAT và ghi nhận doanh thu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Cứ vào mỗi cuối năm, nhiều giám đốc điều hành, giám đốc tài chính và kế toán trưởng thường rất đau đầu về các khoản nợ của mình.
Về thực tiễn kinh doanh, việc phát sinh nợ là tất yếu không thể tránh khỏi. Một doanh nghiệp vừa là chủ nợ cũng đồng thời là bên nợ của nhiều doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, việc quản trị công nợ không hiệu quả sẽ khiến cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và đứng trước nguy cơ phá sản.
Ở góc độ rộng hơn, nếu nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, hệ sinh thái của mình bị phá sản thì nguy cơ nhiều doanh nghiệp khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các phương án kiểm soát rủi ro về khoản nợ
Theo Micheal Johndjua một chuyên gia về quản trị tín dụng và tư vấn kinh doanh có quan điểm rằng “đòi nợ phải bắt đầu từ lúc cho vay”.
Điều này cũng được hiểu rằng việc thu hồi công nợ phải được tiến hành từ lúc phát sinh nợ.
Đa phần các khoản nợ doanh nghiệp đều phát sinh từ các hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ, như vậy nếu muốn kiếm soát được rủi ro về khoản nợ, doanh nghiệp cần chú trọng ngay từ khâu đánh giá đối tác, thương lượng, đàm phán và ký kết hợp đồng.
Trường hợp sau khâu đánh giá về năng lực và uy tín của đối tác, doanh nghiệp có thể đưa ra các lựa chọn như không (avoid- tránh) hợp tác với bên có nguy cơ cao sẽ vi phạm thanh toán.
Nếu đối tác có khó khăn về tài chính, năng lực không đảm bảo, tín nhượng không cao, doanh nghiệp có thể đưa các biện pháp bảo đảm như (bảo lãnh, thế chấp, đặt cọc, bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản…).
Trong trường hợp ngay cả đối tác cũng không thể kiểm soát được rủi ro thanh toán, doanh nghiệp có thể nghĩ tới phương án chuyển rủi ro thông qua việc mua bảo hiểm cho giao dịch.
Kể cả trong trường hợp vì áp lực bán hàng hóa/dịch vụ, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn phương án chấp nhận rủi ro nhưng có thể lên các kịch bản để nếu rủi ro thực tế xảy ra sẽ không ở trạng thái bị động.
Việc đo lường rủi ro về khoản nợ cũng cần đánh giá trên biến số về tần suất và mức độ tác động.
Doanh nghiệp nên xem xét yếu tố lịch thanh toán của đối tác để có thể xếp tín nhiệm về rủi ro thanh toán.
Tùy vào tính chất ngành nghề hoạt động, cách thức phân phối của mỗi doanh nghiệp để xác định ngưỡng rủi ro cụ thể.
Ví dụ, nếu là doanh nghiệp bán lẻ đương nhiên số lượng bên nợ sẽ nhiều hơn bán buôn tuy nhiên mức độ tác động của khoản nợ sẽ ảnh hưởng thấp hơn doanh nghiệp bán buôn.
Doanh nghiệp bán buôn có số lượng bên nợ ít hơn nhưng mức độ tác động ảnh hưởng sẽ rất lớn nếu phát sinh khoản nợ phải đòi.
Các biện pháp trên đây đều thể hiện nguyên lý cơ bản trong kiểm soát rủi ro là “phòng hơn chống”, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Các phương thức thu hồi công nợ hiện nay
Trước tiên các doanh nghiệp thường huy động nguồn lực nội bộ để thu hồi công nợ.
Ở một số công ty lớn có phòng kế toán đông đảo, việc thu hồi nợ được giao cho kế toán chuyên thu hoặc có riêng một kế toán công nợ.
Phần lớn doanh nghiệp ở quy mô nhỏ thường có không có kế toán, nhân sự chuyên trách thu hồi nợ.
Nhân viên kế toán sẽ kiêm nhiệm nhiều công việc thu chi, quản lý quỹ tiền mặt, làm nghiệp vụ kế toán quản trị và kế toán thuế.
Khi mức độ thu hồi nợ khó và thời gian kéo dài, xu hướng công việc thu hồi nợ sẽ có thêm sự tham gia của luật sư nội bộ, kế toán trưởng, giám đốc tài chính và cuối cùng là giám đốc điều hành.
Thường một khoản nợ được nội bộ doanh nghiệp xem là khó đòi khi thời gian thu hội nợ từ sáu tháng trở lên.
Ưu điểm của phương thức thu công nợ sử dụng nguồn lực nội bộ là tiết kiệm chi phí tuy nhiên nhược điểm không theo sát các mốc thời gian trả nợ, không gây áp lực đủ lớn để thay đổi quyết định trả nợ của bên nợ, đôi khi bị yếu tố tâm lý chi phối kết quả thu hồi nợ.
Thuê các các công ty kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ hoạt động theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Theo số liệu thống kê đến hết quý 1 năm 2019, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động.
Hoạt động của các công ty đòi nợ thuê phổ biến tại nhiều quốc gia và được xem là một ngành dịch vụ không thể thiếu trong nền kinh tế.
Tại Việt Nam vì những bất cập trong khung pháp lý bảo vệ người cho vay cũng như sự nhiêu khê từ hoạt động tố tụng tại tòa án dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức có xu hướng sử dụng dịch vụ đòi nợ hơn là sử dụng công cụ pháp lý.
Tuy nhiên, thời gian gần đây UBND thành phố Hồ Chí Minh có kiến nghị đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh vì những biến tướng và hoạt động phí pháp của các giang hồ đòi nợ thuê gây mất trật tự công cộng.
Mặc dù ghi nhận nhiều trường hợp thu hồi được công nợ nhanh chóng tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp cả chủ nợ và công ty thu hồi nợ phải vướng vào phòng lao lý khi sử dụng các biện pháp thu hồi nợ trái pháp luật.
Các tổ chức hành nghề luật sư với chức năng đại diện khách hàng để làm việc với bên nợ cũng là một trong các phương thức thường được sử dụng.
Với sự hiểu biết pháp luật và kỹ năng trong giải quyết tranh chấp, nhiều luật sư tham gia vào hoạt động thu hồi công nợ mang lại hiệu quả cho khách hàng.
Ưu điểm của luật sư là khả năng thu thập, chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ pháp lý trong trường hợp cần thực hiện các biện pháp pháp lý như khởi kiện ra tòa, trọng tài hoặc nộp đơn phá sản doanh nghiệp bên nợ.
Nhược điểm của phương thức này là thời gian tiến hành phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng.
Dù không hẳn là phương thức thu hồi nợ nhưng việc ra đời và hoạt động của các công ty mua bán nợ cũng mang đến thị trường một phương án để giải quyết vấn đề dòng tiền và khoản nợ cho doanh nghiệp.
Việc mua bán nợ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp cần thu hồ nợ và doanh nghiệp mua bán nợ.
Các khoản nợ thường được bán với giá sấp sỉ trên dưới 50% tùy thuộc khả năng thu hồi.
Việc mua bán nợ hiện nay vẫn còn chịu nhiều rào cản về mặt pháp lý khiến doanh nghiệp và bên mua bán nợ gặp khó khăn, điển hình như việc bên nợ viện ra nhiều lý do để từ chối tư cách đòi nợ của doanh nghiệp mua nợ.
Các kiến thức pháp lý và kỹ năng cơ bản để thu hồi nợ hiệu quả
Dưới góc nhìn pháp lý các khoản nợ doanh nghiệp là quan hệ giữa các doanh nghiệp.
Nhưng việc thu hồi công nợ là việc tiếp xúc giữa các con người cụ thể với nhau.
Vì vậy, những người đại diện và thực hiện hoạt động thu hồi công nợ cho doanh nghiệp cần phải được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp.
Người phụ trách thu hồi nợ cần hiểu biết tối thiểu các quyền pháp lý đối với khoản nợ như quyền yêu cầu thanh toán khi đến hạn, quá hạn; quyền được tính lãi suất do chậm thanh toán; quyền khởi kiện yêu cầu trả nợ; quyền được nộp đơn yêu cầu phá sản đối với khoản nợ quá hạn từ 3 tháng trở lên; quyền yêu cầu tòa áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn tẩu tán tài sản; quyền với tư cách là đồng chủ nợ trong trường hợp phá sản; quyền được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi…vv.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý về việc cần chuyển hóa tranh chấp thương mại thành quan hệ nợ để đơn giản thủ tục tố tụng; doanh nghiệp phải theo dõi và nhắc nợ để duy trì và bảo lưu được thời hiệu khởi kiện trong trường hợp cần thiết.
Để thuyết phục và làm thay đổi quyết định trả nợ của bên nợ, người thu hồi nợ cần trang và thực hành nhiều kỹ năng khác nhau như là: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng đánh giá hồ sơ và năng lực thanh toán nợ; kỹ năng quản trị công nợ; kỹ năng thương lượng đàm phán; kỹ năng thuyết phục; kỹ năng đốc nợ thông qua các đòi bẩy…vv.
Nếu sử dụng các biện pháp tranh tụng thu hồi nợ thì cần thêm các kỹ năng đại diện làm việc với cơ quan có thẩm quyền, tòa án, trọng tài cơ quan thi hành án, quản tài viên…vv.
Nói tóm lại, doanh nghiệp cần quản trị được công nợ hiệu quả thông qua việc xây dựng các biện pháp kiểm soát rủi ro, sử dụng các phương thức thu hồi công nợ kết nợ, đồng thời cần hình thành một hệ thống thu hồi công nợ chủ động và chuyên nghiệp để công nợ không phải là cục máu đông mỗi dịp cuối năm.