quy-trinh-san-xuat-phan-mem

Quy Trình Cơ Bản Sản Xuất Phần Mềm

Theo quy định hiện nay, đối với doanh nghiệp mới đầu tư trong lĩnh vực hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà đáp ứng được quy trình về sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong thời hạn 15 năm. Quy định trên đã nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều doanh nghiệp công nghệ, tạo một nguồn động lực không nhỏ để họ sản xuất những sản phẩm phần mềm vốn đã rất khó và tốn kém. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ có dự định thực hiện các hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm nhưng lại thiếu hiểu biết về cách thức thiết lập quy trình để hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, gây thiệt thòi rất lớn cho các doanh nghiệp này. Do đó, bài viết dưới đây sẽ chỉ dẫn cho người đọc về việc xác định quy trình cơ bản về sản xuất sản phẩm phầm mềm theo quy định pháp luật.

1. Quy trình sản xuất phần mềm

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 13/2020/TT-BTTTT, các công đoạn cơ bản cần phải có để được hưởng ưu đã thuế thu nhập doanh nghiệp trong quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm được xác định bao gồm 07 công đoạn, cụ thể như sau:

1.1. Công đoạn 1: Xác định yêu cầu của sản phẩm phần mềm được sản xuất.

Công đoạn này sẽ bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đưa ra hoặc hoàn thiện ý tưởng về phát triển sản phẩm phần mềm; mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; đề xuất, khảo sát, làm rõ yêu cầu đối với sản phẩm phần mềm; phân tích nghiệp vụ; xây dựng yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm phần mềm; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm.

1.2. Công đoạn 2: Phân tích và thiết kế phần mềm

Công đoạn này sẽ bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu (yêu cầu thuộc chức năng và không thuộc chức năng, các vấn đề cần được giải quyết); thiết lập bài toán phát triển; các kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc của phần mềm, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng.

1.3. Công đoạn 3: Lập trình, viết mã lệnh cho phần mềm

Công đoạn này sẽ bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: thực hiện viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh và tích hợp các đơn vị phần mềm, tích hợp hệ thống phần mềm

1.4. Công đoạn 4: Kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm phần mềm

Công đoạn này sẽ bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: tiến hành xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm, chức năng phần mềm, chất lượng phần mềm, bảo mật an toàn thông tin cho phần mềm; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng và tiến hành nghiệm thu phần mềm.

1.5. Công đoạn 5: Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm

Công đoạn này sẽ bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả sản phẩm phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); đăng ký mẫu mã và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm phần mềm.

1.6. Công đoạn 6: Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm

Công đoạn này sẽ bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: tiến hành chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); triển khai cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); kiểm tra sản phầm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; sửa lỗi phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).

san-xuat-phan-mem-can-co-quy-trinh

1.7. Công đoạn 7: Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm

Công đoạn này sẽ bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: bán, cho thuê, phân phối, phát hành sản phẩm phần mềm tự sản xuất.

Cần lưu ý rằng, hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp trên thực tế không nhất thiết bao gồm tất cả các công đoạn trên. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 13/2020/TT-BTTTT thì hoạt động sản xuất phần mềm của doanh nghiệp chỉ được coi là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn, đó là Công đoạn số 1 và Công đoạn số 2 như nêu trên.

2. Cách thức để xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình

Các công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bắt buộc phải có tài liệu chứng minh để xác định liệu rằng quy trình sản xuất đó có đáp ứng quy định pháp luật hay không để có thể được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể đối với các công đoạn dưới đây cần một hoặc nhiều tài liệu sau theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 13/2020/TT-BTTTT như sau:

2.1 Công đoạn 1

a) Các bản mô tả ý tưởng về phương thức phát triển sản phẩm; mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; mô tả đề xuất, kết quả khảo sát, kết quả làm rõ, hoàn chỉnh yêu cầu đối với sản phẩm; mô tả phân tích chi tiết nghiệp vụ; mô tả yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm; mô tả nội dung tư vấn điều chỉnh quy trình;

b) Biên bản thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, mô tả khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm;

c) Hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

2.2 Công đoạn 2

a) Các bản mô tả yêu cầu; mô tả bài toán phát triển; kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, liệt kê các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết; mô hình dữ liệu, mô hình chức năng, mô hình luồng thông tin; giải pháp phần mềm;

b) Các bản thiết kế giải pháp; thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần của phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng;

c) Hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

2.3 Công đoạn 3

a) Một số đoạn mã nguồn chính thể hiện doanh nghiệp có viết mã lệnh phần mềm;

b) Bản mô tả hệ thống phần mềm đã được tích hợp;

c) Hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

2.4 Công đoạn 4

a) Kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm;

b) Các bản mô tả: kết quả thử nghiệm phần mềm, kết quả kiểm thử hệ thống phần mềm, kết quả kiểm thử chức năng phần mềm, kết quả thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; kết quả kiểm thử bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm;

c) Xác nhận phần mềm đáp ứng yêu cầu của khách hàng;

d) Biên bản nghiệm thu phần mềm;

e) Hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

2.5 Công đoạn 5

a) Bộ tài liệu giới thiệu đầy đủ về sản phẩm phần mềm; hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), hướng dẫn sử dụng sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ);

b) Bản sao chứng nhận đăng ký mẫu mã (nếu có).

c) Bản sao chứng nhận đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (nếu có);

d) Hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

2.6 Công đoạn 6

a) Biên bản hoặc hợp đồng chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê);

b) Hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói);

c) Bản mô tả kết quả cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); nội dung đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); mô tả hoạt động kiểm tra sản phẩm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; mô tả hoạt động sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; mô tả hoạt động hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho thuê dịch vụ; mô tả hoạt động bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch vụ; mô tả hoạt động bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).

Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Email: info@lttlawyers.com

Hotline: 0996901888

Website: https://lttlawyers.com/vi/trang-chu/

TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.