so-huu-phan-mem

Tác Giả và Chủ Sở Hữu Phần Mềm Theo Quy Định Pháp Luật

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong thời đại hiện nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trong kỷ nguyên mới. Khi các sản phẩm đến từ trí tuệ con người đang từng bước mở ra cánh cổng bước đến sự tối tân vượt bậc, chúng ta cần có nhiều góc nhìn rõ nét hơn đối với nền công nghiệp đến từ tương lai này. Và để hiểu tường tận hơn về lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng ta cần tìm hiểu các vấn đề liên quan đến tác giả, chủ sở hữu – người đã tạo nên và phát triển các phần mềm.

Hiện nay, trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành, các nội dung liên quan đến tác giả, chủ sở hữu phần mềm được quy định cụ thể tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022)[1].

1. Tác giả phần mềm theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành

Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) định nghĩa tác giả phần mềm (một dạng của chương trình máy tính) như sau:

(a) Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm (phần mềm). Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm (phần mềm) với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả;

(b) Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm (phần mềm) không phải là tác giả, đồng tác giả.

Có thể thấy, tác giả chính là người đã tạo ra một sản phẩm trí tuệ (phần mềm) bằng lao động sáng tạo của chính mình. Người đọc cần lưu ý rằng, vì tác phẩm là kết quả của hoạt động sáng tạo tinh thần, mang dấu ấn sáng tạo cá nhân của tác giả nên tác giả chỉ có thể là cá nhân. Các tổ chức không phải là một thực thể tự nhiên có trí tuệ, tình cảm; không thể trực tiếp sáng tạo tác phẩm bằng suy nghĩa, tình cảm, tư duy của mình. Vì vậy, thường không được công nhận là tác giả.

2. Chủ sở hữu phần mềm theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành

Theo quy định tại Điều 36 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022)thì chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), bao gồm:

(a) Công bố tác phẩm (phần mềm) hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm (phần mềm);

(b) Làm tác phẩm phái sinh từ phần mềm;

(c) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm (phần mềm) bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;

(d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm (phần mềm) đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối;

(e) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn; và

(f) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.

Có thể thấy, với đặc tính là một loại tài sản vô hình, là kết quả của một quá trình sáng tạo tinh thần nên về nguyên tắc, nó sẽ thuộc sở hữu của người đã tạo ra nó. Tuy nhiên, không thể nói rằng trong mọi trường hợp cứ người nào tạo ra tài sản thì người đó là chủ sở hữu phần mềm.

3. Phân biệt Tác giả phần mềm và Chủ sở hữu phần mềm

Theo đó, tác giả và chủ sở hữu phần mềm đều là những chủ thể được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cần làm rõ những điểm khác biệt giữa hai chủ thể này, cụ thể như sau:

Tiêu chíTác giả phần mềmChủ sở hữu phần mềm
Phân loạiCó nhiều cách phân loại tác giả:   Dựa vào số lượng người lao động sáng tạo để tạo ra tác phẩm: Tác giả đơn nhất, đồng tác giả;   Dựa vào mối quan hệ lao động trong quá trình tạo ra tác phẩm: Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả và không đồng thời là chủ sở hữu.Gồm những cá nhân, tổ chức sau đây :   Chủ sở hữu là tác giả;   Chủ sở hữu là các đồng tác giả;   Cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả tạo ra tác phẩm;   Cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng;   Người được thừa kế quyền tác giả;   Người được chuyển giao quyền;   Nhà nước.  
Các quyền được bảo hộTrường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu: Có các quyền nhân thân và quyền tài sản quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022);   Trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu: có các quyền nhân thân và một phần quyền tài sản quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).  Trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời là tác giả hoặc là các đồng tác giả: có các quyền nhân thân và các quyền tài sản quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022);   Trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả; Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế; Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền; Chủ sở hữu là Nhà nước: có các quyền quy định tại tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).

Qua đây có thể thấy rõ hơn về ý nghĩa của việc phân định giữa tác giả phần mềm và chủ sở hữu phần mềm. Bởi không phải mọi trường hợp tác giả và chủ sở hữu phần mềm là cùng một/một nhóm chủ thể (chẳng hạn, người tạo ra phần mềm trong quá trình lao động làm thuê, …). Việc phân định tác giả và chủ sở hữu phần mềm giúp xác định phạm vi quyền nhân thân cũng như quyền tài sản của họ đối với phần mềm theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nếu không phải là chủ sở hữu tác phẩm thì tác giả chỉ có các quyền nhân thân không thể chuyển dịch; trong khi quyền công bố cũng như các quyền tài sản chỉ thuộc về chủ sở hữu phần mềm.

Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Email: info@lttlawyers.com

Hotline: 0996901888

Website: https://lttlawyers.com/vi/trang-chu/

TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.


[1] Trong phạm vi bài viết này cụm từ “Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022)” được hiểu là văn bản Luật hợp nhất của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, được sửa đổi, bổ sung bởi các Luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15.