thoa-thuan-tien-hon-nhan

Thỏa thuận tiền hôn nhân là gì? Việc phân chia tài sản tiền hôn nhân có giá trị khi ly hôn?

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump là một đại diện tiêu biểu về thỏa thuận tiền hôn nhân với ba cuộc hôn nhân và hai lần ly hôn. Ông đã từng chia sẻ rằng: “Thỏa thuận tiền hôn nhân là một tài liệu kinh khủng, bởi vì khi chúng ta ly hôn, đây là cách chúng ta sẽ chia rẽ mọi thứ. Và khi bạn là người tin tưởng vào suy nghĩ tích cực, thì điều đó là không tốt. Nhưng nó là điều cầu thiết yếu của thời hiện đại”. Thỏa thuận tiền hôn nhân là một dạng thỏa thuận mang tính chất ràng buộc về trách nhiệm pháp lý giữa các bên khi ký kết, được thỏa thuận trước khi kết hôn nhằm quy định rõ các vấn đề liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng.

Tại Việt Nam, Luật Hôn nhân gia đình 2014 chưa có khái niệm cụ thể về thỏa thuận tiền hôn nhân nhưng tại Điều 47 của Luật này đã có sự công nhận chế độ thỏa thuận tài sản của vợ chồng: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. So với Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cho phép các bên thỏa thuận về tài sản trước hôn nhân. Đây là một quy định cởi mở và tiến bộ, cho phép các cặp đôi có thể thỏa thuận trước khi tiến đến hôn nhân. ​Khi lập thỏa thuận tiền hôn nhân này, các bên sẽ giảm thiểu những tranh chấp về việc sử dụng tài sản chung và tài sản riêng vào từng mục đích. Thỏa thuận này không chỉ thuận lợi trong việc dễ dàng hơn trong việc phân định tài sản trong hôn nhân mà kể cả sau ly hôn, khiến cho thủ tục ly hôn diễn ra dễ dàng hơn. Tòa án sẽ căn cứ vào bản thỏa thuận để xác định xem đâu là tài sản chung và đâu là tài sản riêng để chia, đảm bảo không trái với pháp luật.

Tuy nhiên, các cặp đôi đang yêu nhau cần lưu ý một số điểm sau để thỏa thuận tiền hôn nhân của các bạn có thể được pháp luật công nhận:

1. Về hình thức

Thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản, phải được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Phòng công chứng, Ủy ban nhân dân,…).

2. Về nội dung

Thỏa thuận phải có đầy đủ các điều khoản cơ bản theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm: tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; nội dung khác có liên quan.

3. Về nguyên tắc áp dụng

Khi áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, các bên sẽ phải dựa vào các điều khoản trong bản thỏa thuận đó để giải quyết các vấn đề có liên quan đến tài sản. Tuy nhiên, khi thực hiện tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì sẽ áp dụng quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định để giải quyết (khoản 2 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Theo đó, khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình cũng có quy định như sau:

  • Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.
  • Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
  • Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
phan-chia-tai-san-tien-hon-nhan
Phân chia tài sản tiền hôn nhân, được nhiều người áp dụng hiện nay

4. Về sửa đổi thỏa thuận tiền hôn nhân

Thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng được lập trước khi kết hôn, có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký kết hôn, tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống vợ chồng, pháp luật cho phép vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sao cho phù hợp với ý chí, nguyện vọng của các bên. Dẫu vậy, các cặp đôi cần lưu ý rằng thỏa thuận sửa đổi bổ sung vẫn phải được lập thành văn bản và được công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng, chứng thực văn bản sửa đổi, bổ sung thỏa thuận tiền hôn nhân phải được thực hiện tại nơi vợ chồng đã công chứng văn bản thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Công chứng 2014.

LTT & Các Cộng Sự hi vọng rằng bài viết trên mang tới các thông tin pháp lý hữu ích liên quan đến thỏa thuận tiền hôn nhân cho các cặp đôi có ý định thỏa thuận về chế độ tài sản trước khi tiến đến hôn nhân và hạn chế tối đa tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản trong quá trình hôn nhân hoặc khi ly hôn, thậm chí sau ly hôn.