hieu-luc-cua-nda

Giá trị hiệu lực của NDA (Non-disclose agreement) và NCA (Non-competition agreement) theo luật Việt Nam

Giá trị hiệu lực của NDA: Thỏa thuận bảo mật sau đây gọi tắt là NDA (Non-disclosure Agreement) và thỏa thuận không cạnh tranh sau đây gọi tắt là NCA (Non-compete Agreement), là văn bản có giá trị ràng buộc, nội dung bao gồm một số cam kết giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Trong NDA, NLĐ cam kết không tiết lộ các thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Các thông tin thường là các kiến thức, bí quyết công nghệ, chiến lược kinh doanh, thông tin khách hàng…Thỏa thuận này nhằm hạn chế rò rỉ các thông tin quan trọng của người kinh doanh, bảo vệ lợi thế kinh doanh của họ trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Trong NCA, người lao động cam kết không tham gia vào quan hệ lao động (QHLĐ) với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác có thực hiện hoặc có khả năng thực hiện hoạt động cạnh tranh với NSDLĐ, trong thời gian thực hiện QHLĐ hoặc sau khi chấm dứt QHLĐ, nhằm bảo vệ các thông tin bí mật, quan trọng, có giá trị kinh tế của NSDLĐ. Thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh thường gồm các nội dung chính sau:

  • Thông tin của hai bên giao kết;
  • Định nghĩa thông tin bảo mật;
  • Các thông tin được tiết lộ, quy định về việc sử dụng các thông tin đó
  • Cam kết bảo mật và không tiết lộ;
  • Cạnh tranh và không lôi kéo;
  • Nghĩa vụ của người lao động; và Thỏa thuận chung.
  • Tiêu chí xác định đối thủ cạnh tranh;
  • Phạm vi không gian và thời gian cam kết bảo mật của người lao động
  • Hậu quả nếu vi phạm.

Hình thức của thỏa thuận không cạnh tranh, thỏa thuận bảo mật

NDA và NCA có thể là hai văn bản thỏa thuận với một văn bản quy định về việc cam kết bảo mật thông tin và một văn bản quy định về cam kết không  tham gia cạnh tranh với doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, để đơn giản hóa, các thỏa thuận này được tạo lập chung trong một văn bản, thường gọi ngắn gọn là NDA và khi đó, thỏa thuận không cạnh tranh trở thành một điều khoản trong thỏa thuận bảo mật thông tin. ADA và NCA cũng có là một điều khoản hoặc phụ lục trong hợp đồng lao động giữa NLĐ và NSDLĐ nếu nội chung của các thỏa thuận này dễ thực hiện và không quá phức tạp.

Có thể bạn quan tâm Tại sao cần thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh

Giá trị pháp lý của thỏa thuận không cạnh tranh, thỏa thuận bảo mật

Bộ Luật lao động 2019 đã ghi nhận “NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp NLĐ vi phạm”. Ngoài ra, Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ 2019 cũng đã xác định cụ thể về các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, một trong số đó chính là việc “bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó”. Qua đó, Nhìn chung, pháp luật Việt Nam cho phép NLĐ và NSDLĐ tự thỏa thuận trong việc kí kết NDA và NCA nhằm mục đích bảo hộ bí mật kinh doanh của NSDLĐ, tuy nhiên chưa đề cập đến vấn đề khung pháp lý trực tiếp cho nội dung này, đặc biệt là chưa có quy định nào điều chỉnh đối với điều khoản không cạnh tranh trong NDA và NCA. Do đó, việc công nhận và áp dụng thỏa thuận không cạnh tranh trong thực tiễn pháp luật Việt Nam còn tùy thuộc vào tính hợp lý của thỏa thuận đó và quan điểm của Tòa án trong từng trường hợp cụ thể.

hieu-luc-cua-nda

Những lưu ý khi để đảm bảo tính hiệu lực của Thỏa thuận không cạnh tranh, thỏa thuận bảo mật

 Đảm bảo quyền lợi nhất định của NLĐ khi áp dụng điều khoản NDA và NCA

Điều khoản không cạnh tranh sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do làm việc của NLĐ là một thực tế cần xem xét. Vì vậy, để áp dụng điều khoản này nhằm mục đích bảo hộ bí mật kinh doanh, NSDLĐ cần phải đảm bảo quyền lợi hợp lí cho NLĐ. Khi quyền của NLĐ đã được bù đắp xứng đáng bằng những lợi ích hợp lý khác thì có khả năng thỏa thuận không cạnh tranh sẽ được thừa nhận. Thỏa thuận này sẽ được xem là một một thỏa thuận dân sự, theo đó cả NLĐ và NSDLĐ đều có quyền và lợi ích tương ứng trên tinh thần tự nguyện của các bên.

Hoàn thiện nội dung và hình thức của thỏa thuận NDA & NCA

Khi thỏa thuận NDA và NCA, các bên cần phải làm rõ các nội dung: thông tin bảo mật, đối thủ cạnh tranh, phạm vi và thời gian cam kết bảo mật, cơ quan giải quyết tranh chấp, luật áp dụng…., cụ thể hóa và chi tiết hóa những hành vi không được thực hiện đi kèm với hậu quả phải chịu nếu vi phạm. Thông tin càng cụ thể và chi tiết, quyền và nghĩa vụ của các bên càng được cân bằng một cách hợp lý thì giá trị pháp lý của NDA và NCA càng cao. Ngoài ra, như đã đề cập, song song với việc hạn chế quyền của NLĐ, NSDLĐ phải đề cập đến mức hỗ trợ hợp lí và nêu rõ điều này trong thỏa thuận. Bên canh đó, doanh nghiệp nên soạn thảo riêng một Thỏa thuận NDA và NCA tách biệt với HĐLĐ. Khi đó, Thỏa thuận không cạnh tranh này sẽ được coi là một hợp đồng dân sự và nó không phụ thuộc vào HĐLĐ, cụ thể trong trường hợp HĐLĐ chấm dứt hiệu lực thì Thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh này vẫn có giá trị pháp lý để ràng buộc NLĐ.

Như vậy, giá trị hiệu lực của NDA và NCA hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Trên đây là bài viết về Giá trị hiệu lực của NDA (Non-disclose agreement) và NCA (Non-competition agreement) theo luật Việt Nam. Nếu quý bạn đọc đang gặp vấn đề về thỏa thuận bảo mật thông tin hoặc các vấn đề khác về lao động việc làm, sở hữu trí tuệ. Vui lòng liên hệ với các luật sư của LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn ngay khi tiếp nhận yêu cầu.