Nhượng Quyền Thương Mại – Việc Dân Sự Cốt Ở Đôi Bên

Nguyễn Thị Kim Dung – Ls. Lê Trọng Thêm
Công ty luật LTT & Lawyers

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhu cầu cao về sử dụng các hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu ngoại ngay tại thị trường nội địa. Đó cũng là lý do tại sao nhượng quyền thương mại từ nước ngoài nhanh chóng xâm nhập và tạo ra làn sóng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam trong những năm vừa qua.

Dù đã trở nên phổ biến ở Mỹ và các quốc gia Tây Âu từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng tại Việt Nam, chỉ đến khi có nhu cầu gia nhập WTO, khuôn khổ pháp luật mới được thể chế hóa thành văn bản trong Luật Thương mại 2005.

Tại Việt Nam, để đáp ứng đủ việc tuân thủ pháp luật, bên nhượng quyền cần hoàn tất thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Trong khối ASEAN, có 4/10 nước không thực hiện thủ tục này, gồm: Brunei, Singapore, Myanmar và Thái Lan.
Các quốc gia này có xu hướng công nhận hợp đồng nhượng quyền giữa các bên và điều chỉnh quan hệ này bằng pháp luật thương mại.

Việc lựa chọn phương thức quản lý khác biệt của hai nền kinh tế năng động như Singapore và Thái Lan có thể khiến chúng ta phải suy xét lại việc quản lý nhượng quyền thương mại như hiện nay có thực sự hợp lý.

nhuongquyenthuongmai

Bức tranh hiện thực đa sắc

Theo thông tin từ Bộ Công thương, số lượng công ty nhượng quyền vào Việt Nam tại xuất phát điểm năm 2007 là 04, tính đến nay đã chạm mốc 235.
Và chắc chắn, với thị hiếu người tiêu dùng biến thiên vượt trội như hiện nay, đây không phải là con số cuối cùng, vì những thương hiệu trứ danh như KFC, Pizza Hut, The Coffee Bean & Tea Leaf… vẫn sẽ tiếp tục bành trướng chuỗi hệ thống tại các trung tâm sầm uất.

Do đó, sự bùng nổ về số lượng đòi hỏi cần có cơ chế quản lý phù hợp của Nhà nước để kịp thích ứng với bối cảnh thị trường luôn biến đổi muôn hình vạn trạng.

Về mặt pháp lý, nhượng quyền thương mại được chia thành ba nhóm:
(i) nhượng quyền trong nước;
(ii) nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài; và
(iii) nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam. Pháp luật chỉ quy định thủ tục đăng ký tại Bộ Công thương đối với hoạt động
(iv) nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, về hai hoạt động còn lại, thương nhân có nghĩa vụ thực hiện báo cáo với Sở Công thương.

Liệu quy định này có khiến các thương nhân nước ngoài cảm thấy Nhà nước đang “thiên vị” các thương nhân trong nước hơn khi họ phải thực hiện thủ tục đăng ký với nhiều yêu cầu và thời gian?

Trên thực tế, vẫn có nhiều thương nhân nước ngoài không hề hay biết đến thủ tục này.
Hệ quả là, dù không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng nhượng quyền thương mại nhưng thương nhân nước ngoài phải nộp một khoản phạt hành chính.
Điều này cũng dễ dẫn đến tranh chấp không đáng có khi luật quy định việc đăng ký thuộc về bên nhượng quyền nhưng chủ thể này lại không nắm rõ pháp luật Việt Nam, trong khi bên nhận quyền lại đinh ninh đây là nghĩa vụ mà bên nhượng quyền buộc phải nằm lòng.
Cũng không ít những vụ tranh chấp về quyền lợi trong nhượng quyền phát sinh từ thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền này tại Việt Nam.

Những quy định đã tồn tại hơn một thập kỷ có còn phù hợp?

Mỗi quy định pháp luật ra đời đều chứa đựng những ý nghĩa và nguyên do riêng. Vì vậy, một vài giả thiết có thể được đặt ra đối với lý do vì sao phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Thứ nhất, nếu lấy lý do để bảo vệ thương nhân nước ngoài trước thị trường bản địa lạ lẫm.
Cần hiểu rằng, một khi thương nhân nước ngoài đã “hạ quyết tâm” nhượng quyền thì chứng tỏ họ đã tìm hiểu kỹ lưỡng tiềm năng phát triển đối với mảnh đất muốn đầu tư.
Hơn nữa, liên quan đến vấn đề lợi ích và nghĩa vụ của các bên đã có hợp đồng điều chỉnh, thương nhân nước ngoài cần nắm lấy điểm then chốt này, chủ động thông qua đàm phán, thương lượng để đạt được mục đích.
Trong khi thông qua hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại cũng chỉ là thủ tục hành chính, thương nhân nước ngoài không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, nếu lấy lý do để bảo vệ thương nhân Việt Nam vì năng lực tài chính và kinh nghiệm về nhận nhượng quyền còn hạn chế.
Như đã đề cập ở trên, bản chất mối quan hệ giữa hai bên là thỏa thuận, thế nên, thương nhân trong nước cần phải tự đo lường sức vóc của mình đối với mô hình nhượng quyền và đàm phán, xem xét các điều khoản của hợp đồng.
Khi xem xét cụ thể việc yêu cầu đăng ký nhượng quyền thương mại, các nhà làm luật cũng không tạo ra bất kỳ ưu đãi hay hướng dẫn, hỗ trợ nào cho thương nhân Việt Nam nhận nhượng quyền. Vì vậy, có thể nói lý do này cũng không thỏa đáng.

Thứ ba, nếu lấy lý do để đẩy mạnh cơ chế kiểm soát thuế và dòng tiền. Thực tế, Nhà nước hoàn toàn có thể quản lý dòng tiền và thuế khi bên nhận quyền chuyển tiền cho bên nhượng quyền thương mại nước ngoài thông qua kênh hệ thống ngân hàng và quản lý thuế.
Trong trường hợp có nghi ngờ về việc chuyển giá hoặc gian lận thuế trong mối quan hệ có liên kết giữa bên nước ngoài và bên nhận quyền Việt Nam, cơ quan thuế có thể áp lại thuế theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định cụ thể về quản lý thuế đối với các đối tượng này.
Như vậy, cũng không thể lấy lý do vì quản lý thuế để bắt buộc bên nhượng quyền nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Thứ tư, nếu sử dụng thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với ý định xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế hoạt động thương mại này vào Việt Nam thì cũng cần phải xem xét lại.
Bởi lẽ, các yêu cầu về hồ sơ thủ tục và các điều kiện nhượng quyền thương mại theo Luật Thương mại 2005, Nghị định 35/2006/NĐ-CP và Thông tư 09/2006/TT-BTM không có quy định nào mang tính kỹ thuật nhằm hạn chế thương nhân nước ngoài gia nhập thị trường nội địa.
Nhìn ở góc độ kinh tế và du lịch, việc các thương hiệu nước ngoài thực hiện hoạt động ngay trên lãnh thổ Việt Nam sẽ tạo ra sức hút đối với du lịch và đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ bỏ để tự do nhượng quyền thương mại

Không còn hoạt động đăng ký cũng đồng nghĩa với việc tối giản hóa thủ tục hành chính.
Nhà nước sẽ không tốn nhiều nhân lực làm việc miệt mài để phân tích, lưu trữ số lượng hồ sơ khổng lồ tăng dần đều qua mỗi năm.
Các thương nhân nước ngoài cũng không mất nhiều thời gian để nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu.
Khi đó, mọi phát sinh sẽ được ghi nhận bằng hợp đồng nhượng quyền và pháp luật có liên quan. Việc dân sự này hoàn toàn do các bên chủ động và tự chịu trách nhiệm với nhau theo các khuôn khổ pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Từ đó, bên nhượng quyền và bên nhận quyền có nhiều thời gian hơn để tập trung nghiên cứu, đàm phán xây dựng một cấu trúc hợp đồng nhượng quyền đủ chặt chẽ cốt làm hài lòng đôi bên.
Thương nhân sẽ cảm thấy quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận theo pháp luật dân sự được phát huy tối đa và Nhà nước thực sự tôn trọng thỏa thuận giữa các bên thông qua hợp đồng nhượng quyền.

Không chỉ vậy, Nhà nước sẽ mở cửa cơ hội cho nhiều mô hình, hoạt động kinh doanh tiềm năng khác có hệ sinh thái phát triển.
Vì trên thực tế, các thương nhân nước ngoài hiện nay đại đa số vẫn đang duy trì hình thức nhượng quyền sơ cấp (tức chính thương nhân nước ngoài nhượng quyền lại cho một thương nhân trong nước).
Nếu phát triển thành công hình thức nhượng quyền thứ cấp rộng rãi (tức thương nhân trong nước nhận quyền sơ cấp được nhượng quyền lại cho thương nhân khác), các thương nhân trong nước sẽ tăng thêm thu nhập và tạo ra chuỗi hệ thống cung ứng lớn mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cuối cùng, trong lần sửa đổi Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành sắp tới, các nhà làm luật cần xem xét và sửa đổi bổ sung để gỡ bỏ thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Khi nhận ra những rào cản về thủ tục không còn nữa, song hành là những chính sách ưu đãi khác sẽ thu hút các thương nhân nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI) vào nước ta.
Đây chính là thành tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên đấu trường quốc tế thông qua những đóng góp vào chuyển giao khoa học công nghệ, giảm thâm hụt cán cân thương mại, tăng năng suất lao động v.v.

Tất cả đều là động lực mạnh mẽ để Việt Nam không chỉ dừng lại ở mức tăng 10 hạng theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) năm 2019, mà còn dẫn đầu trong cuộc đua đường dài về cải thiện thứ hạng GCI 4.0 trong những năm tiếp theo.